Mất ngủ là một tình trạng rối loạn giấc ngủ khá phổ biến, thường xuất hiện ở người cao tuổi. Chứng mất ngủ giờ đây đã xuất hiện nhiều hơn ở các bạn trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trí tuệ cũng như làm suy giảm chất lượng cuộc sống một cách đáng kể. Vì thế, trị mất ngủ là một vấn đề rất được quan tâm. Trong đó, phương pháp thiền hiện nay là một trong những phương pháp được áp dụng rộng rãi và chứng minh được hiệu quả cải thiện mất ngủ. Vậy thiền là gì? Có lợi ích như thế nào và hỗ trợ gì cho việc điều trị mất ngủ? Hãy cùng khám phá qua bài viết sau.
Mục lục
- 1. Thiền là gì?
- 2. Lợi ích của thiền
- 2.1. Kiểm soát căng thẳng, giảm stress
- 2.2. Cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ
- 2.3. Làm giảm các rối loạn tâm thần và trầm cảm
- 2.4. Nâng cao sức khỏe
- 3. Mối quan hệ giữa thiền và chứng mất ngủ
- 4. Thực hành thiền như thế nào để có hiệu quả tốt nhất đối với giấc ngủ?
1. Thiền là gì?
Khái niệm thiền được biết đến đầu tiên là một hoạt động tu hành, đặc biệt là trong đạo Phật. Thiền là một phương pháp rèn luyện tâm. Về sau, thiền ngày càng phát triển và trở thành một bộ môn của không chỉ riêng các tín đồ tôn giáo. Người ta tìm đến thiền để tìm thấy trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi theo dòng chảy, không có gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý thức vũ trụ. Bên ngoài tu hành tôn giáo, thiền ngày nay được biết đến rộng rãi cùng với bộ môn Yoga.
2. Lợi ích của thiền
2.1. Kiểm soát căng thẳng, giảm stress
Từ định nghĩa của thiền, có thể thấy rằng, đây là một phương pháp cực kỳ hữu ích đối với việc làm giảm căng thẳng. Tìm đến dòng chảy ý thức không bị ngăn trở hay quấy rầy bởi bất cứ điều gì giúp chúng ta có thời gian thư giãn, rũ bỏ mọi căng thẳng, lo toan của cuộc sống.
2.2. Cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ
Rèn luyện tâm trí không bị các suy nghĩ vụn vặt quấy nhiễu lâu dần sẽ giúp não bộ tạo ra thói quen giúp nâng cao khả năng tập trung. Ngoài ra, giảm căng thẳng cũng được chứng minh giúp cải thiện trí nhớ. Ứng dụng điều này trong cuộc sống sẽ giúp bạn dễ dàng gặt hái được thành công.
2.3. Làm giảm các rối loạn tâm thần và trầm cảm
Thiền giúp chúng ta tìm đến sự thanh thản, tĩnh lặng trong tâm trí, bước ra khỏi những lo toan cuộc sống để có suy nghĩ thông suốt, tích cực. Với mục đích đó, thiền giúp chúng ta điều chỉnh những rối loạn ngoài kiểm soát trong tâm trí, giảm thiểu nguy cơ rối loạn tâm thần và trầm cảm.
2.4. Nâng cao sức khỏe
Thực hành thiền về lâu dài, sức khỏe của người tập luyện sẽ được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là hệ miễn dịch, đường huyết, xương chắc khỏe, giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
3. Mối quan hệ giữa thiền và chứng mất ngủ
Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ thường gặp, xuất phát từ các nguyên nhân về bệnh lý hoặc thói quen sống hàng ngày, áp lực và các vấn đề tâm lý. Do đó, ở khía cạnh mất ngủ do áp lực cuộc sống, lo toan thường nhật, thiền hoàn toàn có thể giúp cải thiện vấn đề này.
Thiền giúp chúng ta bình tĩnh, nhìn mọi thứ thấu suốt và tích cực hơn. Khi thực hành thiền, tâm trí con người sẽ có khoảng không vắng lặng để thư giãn và rũ bỏ muộn phiền. Nhờ vậy, giảm căng thẳng, áp lực, đồng thời cũng không để cho những căng thẳng, áp lực này theo ta vào giấc ngủ, gây ra những rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng như chứng mất ngủ.
4. Thực hành thiền như thế nào để có hiệu quả tốt nhất đối với giấc ngủ?
4.1. Các phương pháp thực hành thiền
Khác với suy nghĩ của nhiều người, thực hành thiền không chỉ là ngồi thiền mà còn có thiền hành (thiền trong lúc đi bộ), nằm thiền (thực hành thiền trong tư thế nằm ngửa).
Vì cốt lõi của thiền là dòng chảy tâm trí. Vậy nên ngồi một chỗ, nằm hay đi lại cũng không mấy ảnh hưởng khi mà tâm đã được rèn. Mỗi cách thực hành thiền đều phải giữ cho tâm trí tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm. Những suy nghĩ vụn vặt, những cảm xúc hay vọng tưởng thường luôn len lỏi và làm cản trở dòng chảy tâm trí. Vì thế, việc mà người thực hành thiền cần phải làm được đó là giữ cho tâm tĩnh lặng, không để bất cứ điều gì xen vào làm cản trở dòng chảy tâm trí.
4.2. Ngồi thiền thế nào cho hiệu quả?
Nếu bạn là người mới bắt đầu, 5 đến 10 phút là khoảng thời gian phù hợp cho việc ngồi thiền, thậm chí ít hơn. Vì để rèn luyện tâm trí không phải là việc đơn giản nên hãy bắt đầu từ khoảng thời gian ngắn.
Buổi sáng là thời điểm khá lý tưởng để thực hành thiền. Sau khi đã nắm vững tinh thần và cách thức thiền, bạn có thể tăng dần thời gian thiền lên đến mức khiến bạn cảm thấy thoải mái. Hay nói cách khác, không có một giới hạn thời gian nào cho việc ngồi thiền. Ngồi thiền bao nhiêu ngày một tuần, bao nhiêu giờ một ngày hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn.
Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã hiểu thêm về một phương pháp chữa mất ngủ cực kỳ hiệu quả. Với phương pháp thiền, ngoài các lợi ích đối với giấc ngủ, hiệu quả mà thiền mang lại cho cuộc sống của bạn còn là nâng cao sức khỏe, trí tuệ, giúp bạn cân bằng cuộc sống và vượt qua những căng thẳng, áp lực. Chúc bạn áp dụng thành công để có những giấc ngủ ngon.