Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp ở người cao tuổi và ngày càng có xu hướng phổ biến ở các lứa tuổi thấp hơn. Mất ngủ có thể do bệnh lý hoặc thói quen sinh hoạt và có thể điều trị khỏi nếu kiên trì và sử dụng đúng phương pháp. Thế nhưng, với tình trạng mất ngủ kéo dài, bạn đã thực sự biết hết tác hại của nó với sức khỏe chưa? Đâu là bí quyết chữa mất ngủ “một đi không trở lại”? Goodpm sẽ cùng bạn khám phá những cách làm hay để tạm biệt chứng mất ngủ và tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.
1. Tác hại của chứng mất ngủ
Trằn trọc, thao thức, liên tục trở mình và thay đổi tư thế nằm, đầu óc căng thẳng, toàn thân mệt mỏi nhưng không sao rơi vào giấc ngủ suốt cả đêm, nhiều người phải chịu đựng tình trạng mất ngủ này không chỉ một vài ngày mà trong một thời gian dài, dẫn đến nhiều tác hại không ngờ đến sức khỏe.

1.1. Suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung, sức sáng tạo
Việc thiếu ngủ trầm trọng sẽ dẫn đến tình trạng thèm ngủ ngày, đầu óc luôn trong trạng thái lơ mơ, mỏi mệt. Điều này tất yếu làm giảm khả năng hoạt động của bộ não mà biểu hiện cụ thể nhất là ở khả năng tập trung và khả năng tư duy sáng tạo.
Quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của bộ não trở nên chậm hơn, tạo ra các phản ứng không kịp thời. Nó không chỉ khiến hiệu quả học tập, làm việc của bạn bị suy giảm, mà còn gây ra các tình huống nguy hiểm trong đời sống như xử lý không kịp thời các sự cố xảy ra trong lúc lái xe, leo cầu thang….
Trí nhớ, khả năng tư duy sáng tạo bị ảnh hưởng nặng nề do mất ngủ. Không cần phải chứng minh bằng các luận chứng khoa học, bạn có thể được cảm nhận qua chính tình trạng cơ thể sau khi trải qua một giấc ngủ kém chất lượng hay mất ngủ cả đêm.
1.2. Đẩy nhanh tốc độ lão hóa
Một nghiên cứu theo tạp chí Biological Psychiatry (Mỹ) chỉ ra rằng mất ngủ dẫn đến tình trạng lão hóa sớm ở phụ nữ.
Giấc ngủ là thời gian vàng cho các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể. Đó cũng là quá trình cơ thể hồi phục sau một ngày dài tiếp xúc với các tác nhân không có lợi từ môi trường.
Đối với làn da, giấc ngủ là môi trường cần thiết để sản sinh ra collagen, tái tạo tế bào biểu bì, đồng thời hồi phục trước những tác nhân như nắng, khói bụi tác động đến da vào ban ngày.
Khi mất ngủ, thiếu ngủ trầm trọng, các quá trình này sẽ suy giảm dẫn đến khí sắc của làn da nhợt nhạt và làn da sẽ nhanh bị chảy xệ hơn.
2. Cách chữa mất ngủ hiệu quả
2.1. Xác định nguyên nhân
Mất ngủ có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như: bệnh lý, thói quen sinh hoạt, tiếng ồn,…Việc xác định đúng nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ của bạn là chiếc chìa khóa giúp bạn trị sạch chứng mất ngủ phiền hà này.
Mất ngủ do bệnh lý: mất ngủ thường đi kèm với các bệnh lý khác như thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu não), bệnh về tâm lý (như tâm thần phân liệt), bệnh trào ngược dạ dày, chứng tiểu đêm,..
Mất ngủ do thói quen sinh hoạt: đây là lí do hàng đầu cho tình trạng mất ngủ ở giới trẻ. Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh bao gồm: nhịp sinh hoạt không ổn định, thường xuyên thức đêm, ăn ngủ không đúng giờ, sử dụng thực phẩm chứa cafein gây kích thích thần kinh, ăn quá no trước khi đi ngủ,…
Ngoài các nguyên nhân chính trên, mất ngủ còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện phòng ngủ của gia đình bạn như nệm và gối ngủ không thoải mái, ánh sáng quá chói, có tiếng ồn, thậm chí phòng ngủ…hôi cũng là một lí do khiến bạn gặp vấn đề về giấc ngủ.
2.2. Lựa chọn đúng phương pháp chữa mất ngủ
Nếu bạn là người bị mất ngủ do bệnh lý, vấn đề này không thể xem nhẹ được và bạn cần phải có sự thăm khám của bác sĩ, điều trị bằng các loại thuốc chuyên dụng.
Trong trường hợp bạn bị mất ngủ do thói quen sinh hoạt không điều độ, bạn có thể tham khảo một số phương pháp chữa mất ngủ sau đây:
2.3. Bố trí phòng ngủ thoải mái hơn
Bạn có thể dọn dẹp lại phòng ngủ của mình, giữ cho phòng ngủ luôn sạch sẽ, thoáng đãng, không khí được lưu thông sẽ hạn chế các vi khuẩn gây hại, đón ánh nắng và gió vào phòng vào ban ngày sẽ cho bạn tâm trạng tích cực, có lợi cho giấc ngủ vào buổi đêm.
Ngoài ra, hãy lựa chọn kĩ càng nệm và gối ngủ, những vật dụng không thể thiếu được cho giấc ngủ của bạn. Những loại nệm và gối ngủ có chất liệu nâng đỡ cơ thể hiệu quả, độ đàn hồi tốt, hạn chế lực ép lên cột sống và các khớp xương như cao su, memory foam được đánh giá là lí tưởng nhất cho giấc ngủ của bạn.

2.4. Xây dựng lịch sinh hoạt hằng ngày
Xác định cụ thể giờ đi ngủ, giờ thức dậy, ăn đúng bữa, tập thể dục 30 phút đến một tiếng trong ngày rất tốt cho giấc ngủ và sức khỏe của bạn. Duy trì đồng hồ sinh học này sẽ khiến cơ thể thích nghi, và giấc ngủ tự nhiên sẽ đến khi bạn leo lên giường và thả lỏng cơ thể trên những tấm nệm ngủ êm ái.
2.5. Ăn uống khoa học
Sử dụng nhiều thực phẩm thúc đẩy sản sinh hormone melatonin, serotonin giúp làm tinh thần thoải mái, điều chỉnh chu trình giấc ngủ như hạnh nhân, óc chó, hạt sen, đậu xanh,…
Không nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều cafein như trà, cà phê,… cũng như ăn quá no trước giờ ngủ.
Đọc đến đây, hẳn là bạn đã nhận ra những tác hại to lớn mà chứng mất ngủ gây ra cho sức khỏe và cuộc sống của chúng ta. Đó là lí do mà nếu không phải bị mất ngủ do bệnh lý, mỗi người hãy quan tâm đến sức khỏe của mình hơn bằng cách xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học hay đơn giản hơn là hãy làm cho căn phòng ngủ thân quen trở nên thoải mái hơn bao giờ hết. Goodpm chúc bạn sớm tạm biệt chứng mất ngủ đầy phiền toái để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.