Thức cả đêm vì mất ngủ

Phi Luân

Mất ngủ - Nguyên nhân và cách chữa trị triệt để

Đã bao giờ bạn lâm vào tình cảnh rất buồn ngủ nhưng khi nhắm mắt lại, cảm thấy trong đầu cứ ong ong như đang bật chương trình chạy ngầm chưa? Cho dù bạn cố gắng đổi tư thế nằm, lăn từ đầu giường đến cuối giường rồi mà giấc ngủ vẫn không chịu đến. Bạn bất lực nhìn đồng hồ, thao thức nghĩ quả là “thức đêm mới biết đêm dài”. Điều khiến chúng ta trải nghiệm đêm dài thế nào chỉ có anh bạn mang tên “mất ngủ” mang lại mà thôi.

Mất ngủ là tình trạng phổ biến mà bất kì ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải. Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị mất ngủ một lần, vì trót uống đồ uống chứa chất kích thích trước giờ đi ngủ hay ngủ ngày quá nhiều thì có thể không cần quá lo lắng. Nhưng nếu anh bạn “mất ngủ” đến thăm bạn thường xuyên hơn, gây ra tình trạng căng thẳng, uể oải, thèm ngủ, kém tập trung vào ban ngày thì đừng chủ quan nữa. Đã đến lúc bạn phải tìm mọi cách chấm dứt quan hệ với anh bạn xấu tính này, đừng để chứng mất ngủ có cơ hội làm phiền bạn!

1. Nguyên nhân chứng mất ngủ

Mất ngủ là một dạng của rối loạn giấc ngủ, thường gặp ở người cao tuổi và ngày càng phổ biến với các lứa tuổi thấp hơn.

Cùng là mất ngủ nhưng dạng mất ngủ và nguyên nhân gây ra chúng ở mỗi người lại khác nhau. Giới chuyên môn phân loại mất ngủ thành hai dạng: mất ngủ mãn tính và mất ngủ thoáng qua.

Mất ngủ mãn tính tuổi trung niên

Tình trạng mất ngủ mãn tính thường gặp ở người cao tuổi

1.1. Mất ngủ mãn tính

Mất ngủ mãn tính là một bệnh lý, thường xuất hiện cùng với các bệnh khác như: bệnh viêm khớp, bệnh tuyến giáp, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý tâm thần gồm trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, tâm thần phân liệt. Hoặc có thể xuất hiện vào thời kì thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mãn kinh…

Đối với mất ngủ mãn tính, bạn sẽ phải điều trị bằng thuốc với các chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự lang thang trên các trang mạng rồi mua các loại thực phẩm chức năng về uống. Hãy nhớ Google không phải là bác sĩ.

1.2. Mất ngủ thoáng qua

Cũng giống như những vị khách vãng lai, dạng mất ngủ này chỉ thỉnh thoảng đến phá rối bạn, hoặc có thể thường xuyên hơn nhưng không đến mức trầm trọng như bệnh lý.

Nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ thoáng qua có thể đến từ những yếu tố sau: căng thẳng, chênh lệch múi giờ, thay đổi thời gian sinh hoạt, sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều cafein như trà, cà phê gần giờ đi ngủ, ăn quá no trước khi đi ngủ, phòng ngủ quá rộn ràng, lại còn tràn ngập ánh sáng hoặc quá…hôi.

Đối với mất ngủ “vãng lai”, anh bạn này xấu tính nhưng không quá cứng đầu, cho dù gây rắc rối cho bạn thật đấy nhưng nếu đuổi đúng cách, anh ta sẽ ngoan ngoãn ra đi thôi.

2. Cách trị mất ngủ

Như đã trình bày, mất ngủ mãn tính là một bệnh lý, cần có sự thăm khám của bác sĩ. Nếu bạn là người mất ngủ mãn tính do các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khác thì có lẽ bài viết này sẽ không giúp ích được nhiều cho bạn.

Đối với chứng mất ngủ thoáng qua, có những mẹo khá đơn giản, dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí mà bạn có thể áp dụng ngay hôm nay.

Mất ngủ làm ảnh hưởng công việc

Hãy trị mất ngủ để không làm suy giảm chất lượng công việc cũng như đời sống

2.1. Mất ngủ mãn tính

Hẳn ai cũng đã từng ríu cả mắt lại khi phải đọc những loại sách khoa giáo nhiều kiến thức bổ ích nhưng có phần hơi…chán. Hãy tận dụng điều này nếu bạn xui xẻo bị anh bạn “mất ngủ” dính lấy.

Vài trang sách vào một thời gian đi ngủ ấn định trong ngày sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giúp bạn thư giãn, không suy nghĩ lan man và gạt qua một bên những áp lực của công việc, như là một cách để tắt chế độ chạy ngầm của não vậy.

Khoảng thời gian đọc sách trước khi đi ngủ lí tưởng là một giờ đồng hồ. Vì thế, hãy chuẩn bị một vài cuốn sách về đề tài bạn yêu thích, vừa bổ sung kiến thức, vừa dễ ngủ hơn.

Sách tốt nhất nên là sách khoa giáo cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn với cách viết đơn giản, dễ đọc. Bạn cũng cần tránh các loại sách quá lôi cuốn như tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết lãng mạn. Vì biết đâu đã không ngủ được, đọc chút truyện để màn đêm trôi qua nhanh hơn nghe cũng rất hợp lí.

2.2. Chọn loại gối, nệm tốt hơn

Gối, nệm là những vật dụng gắn liền và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của bạn đấy. Nếu là người tinh ý, bạn sẽ nhận ra: cơ thể mình thích hợp với loại nệm nào, êm như nệm memory foam hay cứng cáp như nệm cao su? Loại nệm nào khiến bạn cảm thấy thích hơn khi nằm?

2.3. Ngâm chân bằng nước ấm

Đây là một phương pháp dân gian rất hiệu quả đối với giấc ngủ. Bàn chân là nơi rất nhạy cảm trên cơ thể vì tập trung nhiều huyệt đạo. Ngâm chân bằng nước ấm 15 phút trước khi đi ngủ giúp toàn thân được thả lỏng, cơ thể được thư giãn và đầu óc nhẹ nhàng hơn. Giấc ngủ tự nhiên không chỉ đến nhanh hơn mà còn ngủ sâu hơn.

2.4. Có lối sống lành mạnh, tích cực

Nhiều người trẻ bị mất ngủ thừa nhận họ có thói quen nghịch điện thoại trước khi đi ngủ và thường không ngủ được trước 12h đêm. Ngoài ra công việc, ăn uống, vui chơi cùng bạn bè khá thất thường, đặc biệt là với các freelancer, người làm việc tự do tại nhà.

Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những thói quen xấu ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bạn rơi vào trường hợp nói trên, hãy cố gắng thay đổi. Duy trì một lối sống lành mạnh, điều độ, với tinh thần lạc quan, vui vẻ là cách ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất để trị mất ngủ, song cũng là cách đòi hỏi sự kiên trì và kỉ luật.

Bên cạnh đó, hãy hạn chế ăn quá no hay sử dụng các loại thực phẩm chứa cafein như trà, cà phê gần giờ đi ngủ; cũng như làm cho phòng ngủ đủ yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát và có ánh sáng dịu nhẹ.

Thấu hiểu những rắc rối mà mất ngủ gây ra với bạn, Goodpm mách bạn những mẹo hay để đập tan chứng mất ngủ, không để nó có cơ hội hành hạ bạn mỗi đêm và đánh cắp sự minh mẫn vào mỗi buổi sáng của bạn. Chúc bạn áp dụng thành công và có những giấc ngủ thật tuyệt vời.